Tiếng khèn hòa vào tiếng gió vi vu lúc như trên đồi lúc như trước mặt khiến cô gái đứng ngồi không yên, quả tim như muốn nhảy ra khỏi lòng ngực... Cô gái đã đến bên chàng trai như bị tiếng khèn của chàng trai H'mông "thôi miên".
Cây
Khèn và tiếng nói của khèn đã gọi trăng, đón gió, gọi cô gái có đôi mắt
đa tình xinh đẹp vượt qua mùa xuân xanh, vượt đá xanh, trời xanh về với
mình. Gọi là “kéo vợ” hay vợ chạy theo thì cũng chẳng ai biết rõ, chỉ
có cô gái, chàng trai, đôi bàn tay “dính” vào nhau “qua năm đồi, bảy
suối” mới biết, rồi tình nguyện thả hồn vào tiếng khèn của chàng trai đã
bao đêm gọi bạn.
Tiếng khèn gọi bạn tình
Nghe
kể ngày xửa, ngày xưa, con gái người Mông khi đi lấy chồng phải giỏi
tay thêu thùa, may vá, ít nhất cũng biết dệt vải, se lanh, may cho bố mẹ
chồng, anh em nhà chồng những bộ quần áo trong ngày cưới của mình. Còn
người đàn ông Mông khi muốn trở thành người đàn ông thực thụ của cộng
đồng, thành người chồng chính thức của một cô sơn nữ xinh đẹp nào đấy,
là cha của những đứa con sau một mùa xuân “kéo vợ” thì ít nhất cũng phải
biết làm cho mình một cây khèn, dù biết rằng chàng trai kém cô gái tới
vài ba hay cả chục tuổi.
Tôi
đã đi hàng trăm phiên chợ Tết trên khắp vùng người Mông sinh sống, chợ
nào chẳng có tiếng khèn nơi “đầu đường, cuối chợ” mà réo rắt mời gọi bạn
tình. Chợ nào, lễ hội nào chẳng có hàng chục cô gái Mông vây quanh
những chàng trai Mông vừa thổi khèn, vừa nhào lộn. Để đường về say mèn
vì rượu, vì tình mà đôi má đỏ ửng, mắt long lanh, căng chiếc ô che cho
chàng trai với cây khèn đã bóng khói bếp, bóng mồ hôi năm tháng.
Đi tìm hình hài của cây khèn
Đã
rất nhiều lần tự hẹn với mình, rồi lại tự thất hứa với mình, đi tìm
hình hài của cây khèn Mông, cây khèn đã mang âm sắc của một vùng văn
hoá. Vậy mà mãi đến hôm nay, tôi mới trở về với tiếng khèn bằng hình hài
chân chất của bầu gỗ, lóng trúc, lưỡi đồng, quấn vỏ đào rừng vàng óng
trong đôi tay người nghệ nhân già, nơi xóm núi. Nơi ấy là xóm Tả Cù Ván
thuộc xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Đi
theo tiếng khèn mùa xuân, mùa “kéo vợ”, từ phố huyện Đồng Văn tôi quyết
tâm đến xóm Tả Cù Ván, xã Hố Quáng Phìn, muốn xuống tận nơi để được
chứng kiến những nghệ nhân làm khèn, làm ra cái cây tâm tình mang lời
của gió ở nơi đỉnh gió này. Đây cũng là một ân huệ ngàn đời của một dân
tộc, chắt chiu những tinh hoa, để lại cho đời, cho nhân loại một di sản
văn hóa vừa là vật thể, vừa là phi vật thể. Cây khèn Mông, một nhạc cụ
không thể tách rời với đời sống văn hoá người Mông và cũng là sự kết
tinh, là sự thẩm thấu, sự giao thoa của bao ngàn đời để lại.
Qua
gần một buổi sáng cuốc bộ, lên đèo, xuống thung, ngồi thở bên vách đá,
uống những giọt nước tinh túy được chắt ra từ đá. Xế trưa, tôi tìm đến
gia đình ông Mua Sính Pó, một lão khèn vùng đá mà được nhân dân trong
vùng gọi là “thần khèn”. Một con người mà mấy chục năm qua đã chuyên tâm
truyền nghề và chế tác những cây khèn, những cây khèn mang cả một nền
văn hoá dân tộc Mông ở nơi ông. Năm nay ông Mua Sính Pó đã trên sáu mươi
tuổi, có gần bốn mươi năm làm nghề gọt cây, chắp gió, thành lời yêu,
lời nhớ.
Theo
ông Pó: “Muốn có một cây khèn mang đúng những âm thanh của người Mông
bao đời nay thì phải chọn được thân gỗ kim giao vừa ý, chọn được những
gióng trúc vừa tầm và không thể thiếu tính kiên nhẫn của người làm ra
nó. Khèn của người Mông được làm hoàn toàn bằng những kinh nghiệm cha
truyền, con nối, áng chừng bầu gió khoét rộng dài bao nhiêu là vừa đủ,
áng chừng gióng trúc to nhỏ thế nào là đến tầm...”.
Nói
rồi ông Mua Sính Pó nhìn tôi cười, tay ông với cây khèn mới làm xong
treo trên vách đưa lên môi, ngón tay ông lần lần đưa vào những khuyết
gió để cây khèn thả vào không gian đá trầm ấm một âm thanh đến mê hồn.
Say... rất say... vai ông đặt xuống mặt đất, hai chân ông vuốt lên trời
đối xứng với cây khèn mà lóng gió vẫn cứ mở đều theo điệu chân ông đạp,
theo những ngón tay ông mở lóng hay đóng khuyết. Anh con trai ông ở đâu
về thấy bố đang biểu diễn khèn, anh cũng với cây khèn trên gác ngô, lau
đầu bầu gió vào áo, quệt ngang lưỡi đồng, lấy hơi và hai cây khèn “bố
con” bắt đầu chờ nhịp hay chọn nhịp.
Giữ gìn bản sắc văn hóa của người Mông
Chiều
xuống nhanh hơn trên vùng đá, tôi theo đường về huyện. Đứng trên “võng
gió” nơi đỉnh dốc châm thuốc hút cho đỡ rét, rồi ngoái lại nhìn xóm Tả
Cù Ván trong sương, trong mây. Nơi ấy có một trăm hai mươi tám nóc nhà,
đằng sau xóm trên lưng chừng núi là một rừng trúc chạy dài óng ánh khi
hoàng hôn tím sẫm. Lời ông Mua Sính Pó lại trầm trầm mà vang lên đâu đó:
“Cái nghiệp làm khèn nó khác với cày nương đá, khác với chăn nuôi dê
bò, cũng khác với cạy đá xếp nương ngô, nương bí. Nếu không yêu, không
thích tiếng khèn từ nhỏ, không say cái lóng gió gọi người yêu, không say
những chợ phiên có bầu trời lộn ngược khi nhảy khèn chống vai xuống
đất, giơ chân lên trời thì không bao giờ làm được. Vẫn biết rằng, ít
nhất trong đời, các đứa con trai người Mông cũng một lần biết vuốt bầu
gió, xoa lóng trúc, kiếm vỏ đào rừng hong khói bếp để làm cho mình một
cây khèn tìm vợ...”.