Nét đẹp trên trang phục của một số dân tộc Tây Bắc

Mỗi dân tộc đều có cách làm đẹp riêng, phù hợp với phong tục tập quán, quan niệm thẩm mỹ, địa bàn cư trú..., nhưng tất cả đều phục vụ mục đích: làm tăng sự khỏe mạnh, duyên dáng, nổi bật chủ thể con người giữa thiên nhiên hùng vĩ. Một điểm chung lớn nhất của các dân tộc Tây Bắc khi làm đẹp, là rất chú ý tới mái tóc, đội khăn, quần áo và đồ trang sức. Tiêu biểu là cách làm đẹp của các cô gái.


Người con gái Thái ngay từ khi còn nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy cách thắt "xài yêu" - thắt lưng bằng vải, để lớn lên các cô đều có thân hình "eo kíu manh po" - thắt đáy lưng ong. Chính vì vậy khi trưởng thành, các cô gái Thái đều uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ. Chiếc "xửa cỏm" - một loại áo chẽn dài tay mặc ngoài, bó sát người, cũng góp phần không nhỏ làm nên nét đẹp của người con gái Thái, vừa tôn eo lưng thon thả, vừa vun đầy bộ ngực thanh tân. Ngay hàng cúc áo bằng bạc hình con bướm - "mák pém" cũng có tiếng nói và ý nghĩa nhân sinh tinh tế. Một bên là hàng cúc hình bướm đực, một bên là hàng bướm cái. Con gái chưa chồng hàng cúc mang số lẻ, con gái có chồng hàng cúc mang số chẵn. 
trang phục dân tộc tây bắc
trang phục dân tộc tây bắc
Váy của con gái Thái màu đen, mặt trong gấu váy táp vải màu rực rỡ. Mỗi bước đi chân váy thấp thoáng sắc màu, lượn sóng kín đáo mà duyên thầm. Nói tới vẻ đẹp trang phục của con gái Thái không thể không nói đến chiếc khăn Piêu huyền thoại, được thêu những hoa văn, họa tiết mô phỏng tinh tế thiên nhiên, với những "cút Piêu" - nút thắt trang trí và "xài peng" - tua vải màu hai đầu khăn nổi tiếng. Khăn Piêu được đội hờ hững trên đầu như cánh bướm dịu dàng trên nhành xuân. Mái tóc của người con gái Thái đen nhánh, suôn dài mềm mại. Con gái Thái đen chưa chồng tóc búi sau gáy, có chồng tóc búi đỉnh đầu, gài trâm bạc - "tằng cẩu". Ngày đầu về nhà chồng, bà mối và mẹ chồng dùng những sợi tóc của bà, của mẹ lựa gom sau mỗi lần chải để dành cho con trai khi lấy vợ, kết cùng tóc của cô dâu. Rồi còn vòng cổ, vòng tay, xà tích bằng bạc buông lơi bên hông. Tất cả làm nên một vẻ đẹp khỏe mạnh, thanh xuân, dịu dàng ý nhị. 

Người Dao ở Tây Bắc có nhiều ngành khác nhau: Dao đỏ (còn gọi là Dao Sùng, Dao đại bản), Dao quần chẹt (còn gọi là Dao Nga hoàng, Dao Sơn đầu), Dao Quần trắng, Dao Làn tuyển... Sự khác nhau giữa các nhóm người Dao chủ yếu ở trang phục. Người Dao đỏ có khăn, quần áo được thêu cầu kỳ nhiều hoa văn, họa tiết, chủ yếu là hình vết hổ - "xiền trảo miên", hình vết mèo - "lồm trảo miên", cây vạn hoa - "thổm pẹ", một loại cây cao quí trong quan niệm của người Dao, hoa văn cách đoạn - "thày lẩy"..., các tua len trên khăn được làm bằng nhiều màu, trang trí các họa tiết hình cây thông - "xỏm pẹ" và hoa bạc. Trên áo bé mặc trong, họa tiết chủ yếu thêu ở cổ, ngực và lưng. Trên ngực áo bé đính những hoa bạc theo chiều dọc giữa áo. Áo dài mặc ngoài được trang trí hai hàng quả bông đỏ, mỗi bên bảy quả và các tua len nơi xẻ tà. Tà áo và đầu ống tay trang trí các hình sôm, dấu chân hổ, viền răng cưa. Dây lưng được thêu ở hai đầu các hình sôm, hình dấu chân hổ, cây thông, hình thập ngoặc và hình người mặc váy. Quần của người Dao đỏ được thêu rất tỷ mỷ, trang trí họa tiết ở nửa dưới ống quần với các họa tiết hình vuông, chữ nhật..., bằng các màu rực rỡ. 

Hoa văn, họa tiết trên trang phục người phụ nữ Dao đỏ thật phong phú và đa dạng, là kết tinh từ quá trình lao động sáng tạo. Lấy cảm xúc từ thiên nhiên: cỏ cây hoa lá, động vật..., cách điệu và thổi hồn, góp phần làm nên một vẻ đẹp độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. 

Dân tộc Mông sống trên các triền núi cao Tây Bắc cũng có nhiều ngành. Ngoài phụ nữ ngành Mông trắng, trang phục để nguyên vải mộc, còn lại các ngành Mông khác đều dùng vải lanh nhuộm chàm và kỹ thuật ghép vải màu. Nổi tiếng nhất là kỹ thuật vẽ hoa văn, họa tiết bằng sáp ong trên vải. Chân váy của người phụ nữ Mông xếp nếp rất cầu kỳ. Mỗi bước đi rộn ràng muôn đợt sóng màu hài hòa tinh tế. Người phụ nữ Mông còn tận dụng tối đa trang sức: vòng cổ, vòng tay bằng bạc, hạt cườm, tua vải màu, hoa tai, nhẫn..., tạo ấn tượng bắt mắt và âm thanh xao xuyến. Mỗi bước đi, âm thanh, sắc màu như bản hòa tấu của thiên nhiên với con người, rộn ràng, trong trẻo, trong đó hình ảnh con người luôn hiện lên với sức sống mạnh mẽ, nghị lực phi thường, dân dã mà duyên dáng sống động. 

Người Lự có cách ăn mặc rất đẹp, áo thêu nhiều họa tiết, gắn nhiều đồng tiền bằng bạc, hoặc kim loại màu trắng. Con gái đội khăn Piêu, tóc con gái chưa chồng búi trên đỉnh đầu lệch sang phải rồi gài trâm bạc, khi có chồng búi trên đỉnh đầu và không gài trâm. Ngay số vòng bạc trên cổ tay cũng là một thông điệp kín đáo. Nếu số vòng lẻ là hoa chưa có chủ, số vòng chẵn là gái đã có chồng. 

Người phụ nữ Khơ Mú cũng dùng khăn Piêu, "xửa cỏm" đen, váy đen, thắt "xài yêu". Hàng "mắc pém" hình khối chữ nhật đối diện. Ngực "xửa cỏm" có bộ dải hình mặt trời tròn và mặt trời khuyết. Con gái Thái đội khăn Piêu bằng cách vắt lên đầu, còn các cô gái Khơ Mú lại quấn khăn quanh đầu rồi luồn khăn qua vòng quấn, vắt ra ngoài... 

Người Mường, con gái chưa chồng mặc "xửa cỏm" trắng, tuổi trung niên mặc áo màu đen. Cổ "xửa cỏm" là cổ đứng, viền vải màu xanh hoặc đỏ, hàng cúc là đôi ve sầu bằng bạc, thắt lưng xanh, đeo xà tích bạc. Con gái Mường đội khăn đen, hai đầu thêu chỉ màu đỏ, trắng, xanh. Váy đen kéo dài đến nách, có cạp màu xanh, đỏ ở trên và gấu váy. 

Mỗi dân tộc đều có tiêu chí riêng về cái đẹp. Bên cạnh vẻ đẹp của thân thể, của trang phục biểu diễn, trang sức và cách trang điểm, các thế hệ người dân tộc Tây Bắc còn rất chú trọng đến nét đẹp về tâm hồn. Đó phải là những người con gái khỏe mạnh, chăm chỉ, dịu dàng, thuần hậu, đảm đang, chung thủy. 

Đây là người con gái Thái như bước ra từ thiên truyện cổ: 

"Nướng quả ớt thơm mùi đĩa chéo 

Đụng vào khung cửi vải thành hoa 

Tung nắm tấm thành ra đàn gà 

Khua cái chày hóa ra gạo trắng 

Đụng vào cỏ thì cỏ chết nắng 

Vuốt lên lúa bụi lúa ra bông 

Sáng vòng bạc khéo cả ôm chồng..." 

(Dân ca Thái) 

Vẻ đẹp của người con gái các dân tộc Tây Bắc không chỉ là sắc màu rực rỡ và trang sức tinh tế. Bên cạnh việc phản ánh sâu sắc quan niệm về cái đẹp của các dân tộc, mỗi vẻ đẹp của người con gái Tây Bắc còn tỏa ra một nét trong trẻo, thuần khiết như ánh ban mai, thức dậy và nuôi dưỡng muôn loài. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét