Nếu
lấy Hà Nội làm trung tâm thì cứ ngược quốc lộ 6 lên phía Tây Bắc là
chúng ta sẽ đến được vùng Tây Bắc của tổ quốc, quê hương của những điệu
xoè điệu khắp, nơi có rừng hoa ban nở trắng trời. Qua Hoà Bình, qua cái
nôi của văn hoá Mường với Bi-Thang-Vàng-Động, leo gần 100 km đèo nữa là
tới cao nguyên Châu Mộc, cao 800-1.000 m. Lên tới đây là bước chân vào
vùng Tây Bắc, vùng đất mang đậm dấu ấn của văn hoá Thái.
Thực
ra đây không phải là vùng đất mà người Thái đặt chân xuống đầu tiên
trong cuộc thiên di của mình. Từ thế kỷ XI, theo dòng sông Hồng (Nậm
Tao), người Thái đổ bộ xuống Nghĩa Lộ (Mường Lò) rồi từ đó con cháu của
Tạo Xuông, Tạo Ngần tiến dần sang các vùng Sơn La, Điện Biên, giáp Lào.
Đất ấy, tên Thái là Mường Theng tức là mường trời mà ngày nay chúng ta
vẫn đọc trại ra thành Mường Thanh. Lên tới Mộc Châu là nghe tiếng thông
reo vi vút với rừng tre rừng vầu ngút ngàn trong sắc trắng hoa ban. Phải
chăng chính vì thế mà châu Mộc có tên Thái là Trảng Tre, Trảng Ban
(Phiêng Xang, Phiêng Ban)? ấy là nói những năm trước đây, chứ bây giờ
hoa ban còn ít lắm.
Từ
cao nguyên Mộc Châu đổ xuống thung lũng Yên Châu rồi vượt qua dãy
Chiềng Đông đến Nà Sản về Sơn La. Không thấy hoa ban. Từ Sơn La vượt hơn
30 cây số đèo Pha Đin, nơi ngăn cách giữa trời và đất, nơi bông hoa ban
thấm đẫm trong từng câu dân ca Thái để đến Tuần Giáo. Cũng khó gặp hoa
ban. Núi rừng hầm hập nóng trong gió Lào của đất Yên Châu, lạnh lẽo và
cô quạnh trong mù sương trên đỉnh Pha Đin. Đến lúc này, người ta mới
thấy quý bóng cây ban. Hoa Ban mất đi không phải lỗi của người dân nơi
đây. Người Thái bảo vệ rừng ban không chỉ vì nó là biểu tượng văn hoá
của quê hương họ, mà còn vì chỉ có cây ban mới mọc được nơi đất cằn, độ
dốc lớn. Nhờ có cây ban giữ lại mùn mà đất cằn tái sinh, mà nước mưa
ngấm vào lòng đất ngăn nhưng cơn lũ ống bất chợt tràn về. Cây ban không
cho gỗ, cây ban đun cũng không cháy. Chỉ có bát canh hoa ban cho con trẻ
được no lòng khi giáp hạt.
Luật
và tín ngưỡng tôn giáo của người Thái trước đây quy định, bản nào cũng
có hai khu rừng hoang dại mang tên rừng kiêng (đông căm) hay rừng ma
(đông phi) và một khu rừng cấm chặt phá để bản tổ chức "Ngày hội hái
măng" (Há nó pá hẳm). Vì không ai dám chặt phá nên đã giữ được rừng
nguyên sinh. Chẳng riêng gì người Thái, cả người Mông trên núi cao,
người Khơ Mú, Kháng, La Hả... trong rừng sâu đều tự nguyện tuân theo
luật Thái. Bởi đó là quyền lợi lâu dài của tất cả các dân tộc trong
vùng.
Cây
ban không còn, rừng cũng không còn, gió Lào như những lưỡi lửa vô hình
quất vào đá núi. Chiếc khăn piêu rực rỡ không còn che đỡ nổi cái nắng
lúc hạ về. Cô gái Thái bây giờ phải mang thêm cái nón của người xuôi.
Với những cô gái đã lập gia đình, đầu đã búi tóc (tẳng cẩu), đội cái nón
vào trông rất ngộ. Nó mất hẳn đi sự cân đối nhưng vẫn đẹp; nó mong manh
như mái nhà sàn chông chênh trên sườn núi, ai đó muốn chở che nhưng lại
quá xa vời.
Người
Tây Bắc nói chung và người Thái nói riêng sống chân thật, hoà thuận.
Trong bản cũng như trong gia đình ít khi to tiếng với nhau. Đặc biệt,
hiếm khi thấy bố mẹ đánh đập con cái. Sống đoàn kết và thương yêu nhau
là nét chủ đạo trong cuộc sống của người Thái. Tục ngữ Thái có câu: "Một
thân không thể ngồi trên nong tự nhấc, không thể ngồi trên gốc tự nhổ"
(Phủ điều báu năng đổng hak nho, báu năng to hak cốn). Cho nên khi đói
kém, bản Thái và các dân tộc anh em vùng Tây Bắc sẵn sàng chia sẻ lương
thực cho nhau. Có lẽ phải tiếp cận từ góc nhìn như thế thì mới lý giải
nổi sự tồn tại trong hàng chục năm của các quán hàng tự giác trên khắp
các nẻo đường Tây Bắc. Hay phải chăng, đó là hệ quả của một xã hội chưa
biết đến thương nghiệp với vật ngang giá là đồng tiền? Vậy thì ta nên
vui hay buồn đây khi mà những quán hàng tự giác như thế ngày nay chỉ còn
tìm thấy trong những câu chuyện cổ tích?
Người
Thái ngày nay vẫn hiếu khách. Chẳng cần biết lạ hay quen, thân hay sơ,
khách đến nhà là được ngủ ở vị trí trang trọng với chăn mới, đệm mới do
chính bàn tay khéo léo của các cô gái Thái làm nên. Là con gái Thái thì
không được phép ngừng tay làm vải và phải đạt đến độ tinh xảo: "Sấp đôi
tay đã thành hoa văn, ngửa bàn tay đã thành hoa lá" (Khuổm mư pên lai,
hai mư pên pok). Có lẽ cũng chính vì thế mà người Thái gọi bạn trăm năm
là vợ con tay guồng sợi tơ. Gái Thái đẹp nhưng siêng năng, khéo tay
nhưng hiền thục. Nhà có khách, các cô gái Thái bẽn lẽn quỳ cả buổi để
tiếp rượu. Khách hoặc chủ có lỡ say thì đó cũng là cái sự quá vui mà
thôi. Gần đây, một vài người có chê trách tật uống rượu say của người
Tây Bắc.
Thực ra đó không phải là tập quán. Uống rượu thì có, nhưng việc
say xỉn thì ngay cả người Thái cũng lên án. Bởi vậy mới có câu: "Uống
rượu đừng uống say, say nhiều thành vơ vất người đời cười chê" (Kin lảu
nha mau lai, mau lai pên báng pa pươn tay hua nả). Nếu cứ trách như thế
thì hoá ra ta đã hiểu nhầm lòng chân thành và hiếu khách của bà con mất
rồi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét